Tăng nhãn áp và cách điều trị

Bệnh tăng nhãn áp (Glaucoma / Glôcôm), hay còn gọi là cườm nước, là bệnh lý mắt nguy hiểm có thể dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời. Tăng nhãn áp gây tổn thương dây thần kinh thị giác, là bộ phận kết nối mắt với não, làm giảm thị lực, và nếu không được điều trị đúng cách, có thể dẫn đến mù lòa.
- Người ở độ tuổi ngoài 40
- Gia đình có tiền sử mắc bệnh
- Người mắc tật khúc xạ: cận thị trên 4 diop, lão thị sớm, tăng số kính lão nhanh
- Người mắc các bệnh toàn thân như huyết áp cao, tụt huyết áp về đêm, co thắt mạc trong bệnh lý mạch vành, hội chứng Raynaud, rối loạn tuần hoàn não, đau nửa đầu, tăng mỡ máu, bệnh đái tháo đường, bệnh lý tuyến giáp.
Bệnh tăng nhãn áp có thể diễn biến âm thầm mà không có triệu chứng rõ ràng, khiến nhiều bệnh nhân không phát hiện ra bệnh sớm. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển, các triệu chứng có thể bao gồm:
- Mắt đỏ, đau nhức mắt đột ngột (đặc biệt là bệnh Glôcôm góc đóng).
- Nhìn thấy quầng sáng xung quanh ánh sáng hoặc hình ảnh mờ.
- Mất thị lực từ từ, bắt đầu với tầm nhìn ngoại vi.
- Đau đầu, buồn nôn hoặc nôn khi bệnh diễn tiến nhanh.
Tùy thuộc vào thể bệnh và mức độ nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp:
Điều trị bằng thuốc:
- Thuốc nhỏ mắt giúp giảm áp lực nhãn cầu bằng cách làm tăng sự dẫn lưu thủy dịch hoặc giảm sản xuất thủy dịch trong mắt.
- Thuốc uống như beta-blockers hoặc carbonic anhydrase inhibitors giúp làm giảm tiết dịch trong mắt.
Điều trị bằng laser:
- Laser cắt mống mắt chu biên: Giúp mở rộng góc mống mắt để giảm áp lực trong mắt.
- Laser tạo hình vùng bè: Giúp cải thiện khả năng dẫn lưu thủy dịch từ mắt.
- Laser quang đông thể mi: Điều trị bằng laser để giảm sản xuất thủy dịch.
Phẫu thuật:
- Phẫu thuật cắt bè củng giác mạc: Làm giảm áp lực nhãn cầu bằng cách tạo một cửa thoát thủy dịch mới.
- Phẫu thuật cắt củng mạc sâu không xuyên thủng: Tạo một cửa thoát thủy dịch trong mắt.
- Phẫu thuật đặt ống dẫn lưu: Đặt một ống dẫn để dẫn thủy dịch ra ngoài mắt, giảm áp lực trong mắt.
Mục tiêu chính trong điều trị bệnh tăng nhãn áp là ngăn ngừa tổn thương dây thần kinh thị giác, giữ cho bệnh không tiến triển thêm. Mặc dù không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng hầu hết các ca bệnh đều có thể được kiểm soát tốt với điều trị kịp thời.
Khi đã bắt đầu quá trình điều trị, bệnh nhân cần thực hiện tái khám định kỳ để theo dõi nhãn áp và thị lực. Việc theo dõi thường xuyên và kiên trì tuân thủ điều trị là rất quan trọng để ngăn ngừa bệnh tái phát và bảo vệ thị lực lâu dài.